CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
CÔNG NGHỆ VẬT LIỆU POLYME VÀ COMPOZIT
Mã xét tuyển: MS3
Tổ Hợp Xét Tuyển: A00; A01; D07
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024: 80
Điểm trúng tuyển các năm trước: THPT: 23,7(2023); Tư duy: 52,51
GIỚI THIỆU
Ngành công nghiệp “Vật liệu Polyme và Compozit”
Công nghiệp “Vật liệu polyme và compozit” mang tính liên ngành giữa công nghiệp hoá chất, lọc hoá dầu, vật liệu, cơ khí…. Các sản phẩm chính của ngành như: Nhựa, Cao su, Sơn, Keo dán và Compozit (vật liệu tổ hợp) có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống cũng như trong sản xuất công nghiệp. Chính vì vậy, có thể nói “Vật liệu Polyme và Compozit” là vật liệu của hiện tại và tương lai.
Tại Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 4000 doanh nghiệp trong lĩnh vực “Vật liệu Polyme và Compozit”. Tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành đạt 16-18%/năm. Công nghiệp “Vật liệu Polyme và Compozit” không chỉ tạo ra các sản phẩm gia dụng mà còn tham gia trực tiếp vào chuỗi sản xuất của nhiều ngành công nghiệp quan trọng và cốt lõi của nền kinh tế như: Ô tô, Xe máy, Đóng tầu, Hàng không; Linh kiện và thiết bị điện, điện tử, điện lạnh; Vật tư y tế; Chip và vi mạch; Dệt may, Da giầy; Vật liệu xây dựng…
Chương trình đào tạo “Công nghệ vật liệu polyme và compozit” tại ĐHBK Hà Nội
Chương trình “Công nghệ vật liệu Polyme và Compozit” kế thừa và phát triển các nội dung của định hướng chuyên ngành Vật liệu Polyme và Compozit đã đào tạo thường xuyên và liên tục hơn 30 năm qua tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, đồng thời cập nhật, hoàn thiện và đối sánh với chương trình của các nước tiên tiến trên thế giới trong cùng lĩnh vực. Cho đến thời điểm hiện tại, đây là chương trình ĐẦU TIÊN và DUY NHẤT tại Việt Nam được xây dựng HOÀN CHỈNH và ĐẦY ĐỦ nhất về “Vật liệu Polyme và Compozit“.
ĐỊNH HƯỚNG ĐÀO TẠO:
Chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng cân bằng: Lý thuyết chuyên sâu – Cập nhật công nghệ tiên tiến – Kỹ năng nghề nghiệp vững vàng.
- Lý thuyết chuyên sâu: Sinh viên được cung cấp các kiến thức về cấu tạo, bản chất và ứng xử của các loại vật liệu Polyme và Compozit để có thể hiểu, kiểm soát diễn biến quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, phát triển các vật liệu và sản phẩm mới.
- Cập nhật công nghệ tiên tiến: Sinh viên được đào tạo về các công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất đang được sử dụng trong thực tế công nghiệp để sản xuất các sản phẩm: Nhựa nhiệt dẻo; Nhựa nhiệt rắn; Sơn; Cao su tự nhiên; Cao su tổng hợp; Keo và chất kết dính; Vật liệu tổ hợp…
- Kỹ năng nghề nghiệp vững vàng: 30% thời lượng đào tạo là thí nghiệm, thực hành tại các phòng thí nghiệm và xưởng thực nghiệm chuyên ngành với các trang thiết bị tương đồng/tiệm cận với qui mô công nghiệp và 10-20% thời lượng đào tạo là trải nghiệm thực tế sản xuất tại doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên có được các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết khi tốt nghiệp.
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO:
Sinh viên tốt nghiệp chương trình “Công nghệ vật liệu polyme và compozit” có:
- Khả năng tiếp nhận, triển khai công nghệ sản xuất; sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật.
- Khả năng phân tích, tư vấn, quản lý chất lượng, quản lý kỹ thuật và công nghệ.
- Kỹ năng giao tiếp xã hội, ngoại ngữ tốt, khả năng làm việc độc lập hoặc làm việc nhóm trong môi trường cạnh tranh liên ngành và toàn cầu.
ĐIỀU KIỆN HỌC TẬP VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ:
- 100% sinh viên “Công nghệ vật liệu Polyme và Compozit” được sử dụng các trang thiết bị của “Phòng thí nghiệm Trọng điểm quốc gia về Vật liệu Polyme và Compozit”, cũng như các phòng thí nghiệm hiện đại được đầu tư tập trung trong lĩnh vực vật liệu của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
- Có nhiều cơ hội nhận nhiều học bổng từ ĐHBK Hà Nội và các doanh nghiệp đối tác, các nhà tuyển dụng.
- 100% sinh viên có nguyện vọng sẽ được tham gia các Lab chuyên môn từ năm thứ hai và được hỗ trợ, miễn phí hoàn toàn thiết bị, vật tư, hóa chất và nguyên vật liệu trong quá trình làm nghiên cứu.
- Sinh viên được khuyến khích tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án đổi mới, sáng tạo và chuyển giao công nghệ do các giảng viên chủ trì.
- Các sinh viên xuất sắc sẽ được hỗ trợ để tiếp cận các nguồn học bổng sau đại học (Thạc sỹ, Tiến sỹ) tại các nước đang phát triển như: Nhật Bản; Áo, Bỉ, Hàn quốc…
CƠ HỘI/TRIỂN VỌNG NGHỀ NGHIỆP
Các đơn vị tuyển dụng:
- Các nhà máy/doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu nhựa, cao su, chất kết dính, phụ gia có nguồn gốc polyme…: nhựa và sao su nguyên sinh; filler; compound; masterbatch…
- Các nhà máy/doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa, cao su, compozit dân dụng và công nghiệp.
- Các nhà máy/doanh nghiệp sản xuất sơn, keo dán, bao bì, màng phủ…
- Các tập đoàn/nhà máy/doanh nghiệp trong công nghiệp phụ trợ cho các ngành sản xuất ô tô, xe máy, đóng tầu, thiết bị điện, linh kiện và thiết bị điện tử, điện lạnh…: Màn hình tinh thể lỏng; Lốp, gioăng và các chi tiết từ cao su; Linh kiện, chi tiết và vỏ thiết bị từ nhựa và compozit; Dây và cáp điện, cáp tín hiệu…; Bản mạnh từ polyme; Sản xuất và gia công sơn kỹ thuật…
- Các nhà máy/doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: đá nhân tạo, kết cấu gỗ-nhựa, kim loại-nhựa; gỗ công nghiệp; tấm lợp lấy sáng; tấm cách âm, cách nhiệt; tôn xốp chống nóng, chống cháy….
- Các nhà máy/doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giầy: da nhân tạo; vải tráng phủ; vải kỹ thuật; vải không dệt; giầy EVA, TPE, cao su….
- Các doanh nghiệp kinh doanh/phân phối thiết bị, vật tư, hóa chất polyme và compozit.
- Các Viện nghiên cứu, Trường đại học.
- Các Trung tâm/Phòng đánh giá và kiểm định chất lượng nguyên liệu, bán thành phẩm và sản phẩm từ Polyme và Compozit.
- Các Trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D)…
- Các cơ quan quản lý nhà nước…
Vị trí việc làm của sinh viên “Công nghệ Vật liệu Polyme và Compozit”:
- Kỹ sư phụ trách triển khai công nghệ sản xuất.
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý/Kỹ sư trưởng dây chuyền sản xuất.
- Kỹ sư phát triển sản phẩm mới.
- Kỹ sư quản lý chất lượng sản phẩm.
- Chuyên gia tư vấn, giám đốc bán hàng, phụ trách kinh doanh nguyên liệu, máy móc, sản phẩm.
- Chuyên gia tư vấn, thiết kế, xây dựng các nhà máy sản xuất sản phẩm từ polyme và compozit.
- Giảng viên, Nghiên cứu viên tại các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật.
- Chuyên viên tại các cơ quan quản lý nhà nước.
- Chuyển tiếp sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ) tại ĐHBK cũng như các trường đại học kỹ thuật tại các nước tiên tiến trên thế giới.
MỘT SỐ ĐƠN VỊ TUYỂN DỤNG TIÊU BIỂU:
PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH:
1 - Xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024:
-
Mã xét tuyển: MS3
-
Tổ hợp xét tuyển: A00; A01; D07
2 - Xét tuyển tài năng:
- Xét tuyển học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển dựa vào các chứng chỉ Quốc tế SAT, ACT, A-level, AP và IB; xét tuyển dựa trên hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.
- Mã xét tuyển: MS3
3 - Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐHBKHN tổ chức.
-
Mã xét tuyển: MS3
-
Tổ hợp xét tuyển dự kiến: K00
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
- Địa chỉ: Toà nhà D2B – Đại học Bách khoa Hà Nội
- Điện thoại liên hệ: 0904505335 - 0945467576
CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
1. Cơ hội việc làm của ngành như thế nào?
Công nghệp “Vật liệu Polyme và Compozit” mang tính liên ngành giữa công nghiệp hóa chất, lọc hóa dầu, vật liệu, cơ khí ... với hơn 4.000 doanh nghiệp trên cả nước với tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành đạt 16-18%. Các sản phẩm chính của ngành bao gồm : nhựa, cao su, sơn, keo dán, phụ gia gốc polyme và compozit được sử dụng rộng rãi trong đời sống; đồng thời được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và ngành công nghiệp khác như: sản xuất đồ gia dụng; bao bì nhựa; ô tô và xe máy; linh kiện điện, điện tử, điện lạnh; hàng không và vũ trụ; vật liệu xây dựng; y tế và thiết bị y tế; dược phẩm; mỹ phẩm; nông nghiệp ...
2. Học ngành này ra trường làm gì? ở đâu?
Làm trong các nhà máy, doanh nghiệp, tập đoàn liên quan đến công nghiệp ô tô, xe máy, hàng không vũ trụ, tàu điện, tàu thuỷ, linh kiện điện & điện tử, sản phẩm và thiết bị y tế, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, bao bì, dệt may, da, giầy, dược phẩm, nông nghiệp…; doanh nghiệp sản xuất/kiểm định nguyên liệu và sản phẩm cao su, sơn, keo dán, nhựa, compozit…; doanh nghiệp kinh doanh thiết bị, vật tư, hóa chất polyme và compozit với các vị trí như:
- Kỹ sư vận hành/quản lý dây chuyền sản xuất
- Kỹ sư thiết kế và chế tạo các vật liệu/sản phẩm từ Polyme và Compozit
- Kỹ sư quản lý chất lượng QA/QC
- Kỹ sư nghiên cứu phát triển R&D
- Kỹ sư tư vấn, thiết kế xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu/sản phẩm từ polyme và compozit
- Chuyên gia/Giám đốc phụ trách kinh doanh nguyên liệu, thiết bị, sản phẩm… liên quan Polyme và Compozit
Các cơ sở tuyển dụng:
- Các nhà máy chế tạo và gia công nhựa, sơn, cao su, keo, compozit: Sơn Nippon, AkzoNobel Việt Nam, Nhựa Châu Âu, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Nhà máy sản xuất hóa chất Phenikaa, Dow Chemical Vietnam, Bayer Vietnam, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, lọc hóa dầu Bình Sơn ...
- Sản xuất ô tô, xe máy, hàng không, vũ trụ: Viettel, Vinfast, Toyota, Nissan, Honda, Yamaha, Piaggio Vietnam, Bridgestone, Công ty TNHH NIKKISO VIỆT NAM, MHI Aerospace Việt Nam, THACO Trường Hải, Hyundai Thành Công ...
- Linh kiện điện, điện tử: LG, Samsung, Apple, Canon, Foxconn, Luxshare Vietnam, Pegatron Vietnam, Panasonic, Daiwa Plastic, Nhựa Hà Nội, GE ...
- Vật liệu cho dệt may, da, giầy: Sơ xợi Đình Vũ, Nike, Adidas, Hóa dệt Hà Tây, Nhựa Phú Lâm, Công ty cổ phần Da Công Nghiệp Việt Nam ...
- Vật liệu xây dưng: Nhựa Tiền Phong, Eurowindow, Nhựa Bình Minh, tập đoàn nhựa Đông Á, Tập đoàn Tân Á Đại Thành, Vicostone ...
- Bao bì nhựa: Tập đoàn An phát Holdings, Bao Bì Tân Tiến, Công ty nhựa OPEC, Stavian Bao bì ...
- Y tế và trang thiết bị Y tế: Rạng Đông Healthcare, Công ty nhựa y tế Việt Nam, Medline Vietnam, Công ty nhựa y tế Mediplast ...
3. Mức lương ngành này hiện nay ra sao?
Tùy vị trí công việc và năng lực của mỗi người, mức lương khởi điểm dao động trong khoảng 12 đến 20 triệu đồng/tháng.
4. Sinh viên sẽ được học gì?
5. Có học bổng dành cho sinh viên không?
Sinh viên có cơ hội nhận được học bổng dưới nhiều hình thức:
- Học bổng từ Đại học Bách khoa; Trường Vật liệu; Doanh nghiệp; Học bổng từ Giáo sư trong và ngoài nước.
- Được thực hành tại các phòng thí nghiệm và xưởng thực nghiệm chuyên ngành với hệ thống thiết bị tiệm cận sản xuất thực tế.
- Được trải nghiệm thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp.
- Được tham gia các Lab nghiên cứu từ năm hai và được miễn phí sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư.
- Được tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ do giảng viên chủ trì.
6. Em muốn đi du học thì có cơ hội không?
Ngành này có nhiều cơ hội xin học bổng toàn phần đi du học để học thạc sỹ hoặc tiến sỹ tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Bỉ, Đức, Pháp, Úc, Mỹ, Canada…
7. Học phí ngành này thế nào ạ?
CTĐT “Công nghệ vật liệu Polyme và Compozit” là chương trình chuẩn của ĐHBKHN có mức học phí 22-28 triệu VNĐ/ 1 năm.
8. Ngành này xét tuyển như thế nào?
Năm 2024, CTĐT “Công nghệ vật liệu Polyme và Compozit” xét tuyển theo cả ba hình thức:
- Xét tuyển tài năng
- Xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy
- Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
9. Dự kiến điểm chuẩn của ngành khoảng bao nhiêu?
Năm 2023, điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT là 23,70 và thi đánh giá tư duy là 52,51.
10. Ngành tuyển bao nhiêu chỉ tiêu?
Năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh của CTĐT “Công nghệ vật liệu Polyme và Compozit” là 80 chỉ tiêu.
11. Ngành này có cần tiếng Anh không?
Ngành này là chương trình đào tạo chuẩn nên không yêu cầu tiếng Anh đầu vào. Tuy nhiên trong quá trình đào tạo sinh viên sẽ được bồi dưỡng tiếng Anh, khuyến khích sử dụng tiếng Anh.