Chương trình Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano - MS2

Thứ năm - 14/12/2023 14:16
Chương trình Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano
Chương trình Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
“KỸ THUẬT VI ĐIỆN TỬ VÀ CÔNG NGHỆ NANO”

(Microelectronic Engineering and Nanotechnology – MEN)

Mã xét tuyển: MS2

Tổ Hợp Xét Tuyển: A00; A01; D07
Chỉ tiêu tuyển sinh: 140

Điểm trúng tuyển các năm trước: THPT: 26,18(2023); Tư duy: 63,66(2023)

(CHI TIẾT KHUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO)


Bạn đã quá quen thuộc với các thiết bị điện tử hàng ngày như điện thoại, máy tính … Bạn có biết Vi mạch (microchip) chính là bộ não trong hầu hết các thiết bị điện tử đó và nó luôn được đổi mới phát triển hơn từng ngày nhờ áp dụng công nghệ nano? Vi mạch cũng chính là sản phẩm tiêu biểu của lĩnh vực vi điện tử - bán dẫn.

Định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Chính phủ Việt Nam, cùng với sự đầu tư của hàng loạt các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực như Samsung, Amkor, LG, Qualcomm… tạo rất nhiều cơ hội phát triển và việc làm. Nhu cầu nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực vi điện tử - bán dẫn gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là các kỹ sư có chuyên môn về thiết kế chế tạo, sản xuất và phát triển các linh kiện vi điện tử tiên tiến nền tảng của ngành công nghiệp bán dẫn.

Bạn có muốn biết học ngành gì để trở thành kỹ sư vi điện tử - bán dẫn tiên phong đáp ứng được nhu cầu nhân lực ngày càng tăng cho ngành công nghiệp bán dẫn ?. Đó chính là chuyên ngành: Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano thuộc Khoa Vật liệu điện tử và Linh kiện, Trường Vật Liệu, Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN).


 

Kỹ Thuật Vi Điện Tử Và Công Nghệ Nano Là Gì?

Kỹ thuật vi điện tử: Quá trình thiết kế, lập kế hoạch và tổ chức sản xuất vi mạch tích hợp và các linh kiện điện tử sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ màng mỏng, xử lý siêu sạch.

Công nghệ nano: Nghiên cứu phát triển các hệ vật liệu và linh kiện ở kích thước nano mét. Công nghệ nano làm giảm kích thước, tăng mật độ tích hợp và hiệu suất của các linh kiện điện tử, quang tử.

Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano: Phát triển và sản xuất các linh kiện điện tử, vi mạch với quy mô lớn, mật độ tích hợp và hiệu năng cao như chíp lai, IoT, pin mặt trời, chip LED, pin nhiên liệu và các linh kiện vi điện tử tiên tiến.

Khác với kỹ sư điện tử truyền thống, kỹ sư vi điện tử và công nghệ nano đặc biệt tập trung vào thiết kế và phát triển các thiết bị và hệ thống vi điện tử phức tạp như microchip, vi cảm biến, mạch tích hợp, bộ vi xử lý, pin tích trữ, pin mặt trời…
 

 

Sinh Viên Chuyên Ngành Kỹ Thuật Vi Điện Tử Và Công Nghệ Nano – ĐHBKHN Học Gì?

Sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano – ĐHBKHN được trang bị:

  • Kiến thức về các đặc tính vật liệu và quy trình chế tạo được sử dụng trong sản xuất các thiết bị vi điện tử, thiết kế mạch và tích hợp cấp hệ thống, các hệ nhúng và lập trình nhúng, các hệ điều khiển tự động, cảm biến, Internet vạn vật (IoT)
  • Kỹ năng sử dụng các phần mềm và công cụ chuyên dụng được sử dụng trong thiết kế và mô phỏng các thiết bị vi điện tử.
  • Kỹ năng, kiến thức về phòng sạch, công nghệ màng mỏng, công nghệ bán dẫn đóng gói và kiểm chuẩn linh kiện điện tử.
  • Kỹ năng lập kế hoạch dự án và giải quyết vấn đề, bồi dưỡng khả năng giao tiếp tiếng Anh và phát triển bản thân trong môi trường toàn cầu hoá.

CHI TIẾT KHUNG CHƯƠNG TRÌNH VÀ KẾ HOẠCH HỌC TẬP


Học Ngành Kỹ Thuật Vi Điện Tử Và Công Nghệ Nano – ĐHBKHN Ra Trường Làm Gì?

Tương lai rộng mở đối với Kỹ sư vi điện tử và công nghệ nano. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano – ĐHBKHN có cơ hội:

  • Làm việc tại các vị trí:
    • Kỹ sư thiết kế, chế tạo vi mạch và các thiết bị điện tử-bán dẫn.
    • Kỹ sư quản lý và xử lý dây chuyền sản xuất
    • Kỹ sư nghiên cứu phát triển R&D
    • Kỹ sư Vận hành sản xuất thiết bị điện tử, IC v.v..
    • Kỹ sư quản lý chất lượng sản phẩm
  • Làm việc tại các đơn vị uy tín:
    • Sinh viên tốt nghiệp có thể ứng tuyển vào các tập đoàn, công ty về lĩnh vực điện tử, bán dẫn và sản xuất vi mạch.
      • Công ty điện tử Samsung
      • Công ty điện tử LG
      • Công ty Amkor Technology Việt Nam (sản xuất điện tử và bán dẫn)
      • Công ty sản xuất pin mặt trời (Boway-Boviet)
      • Canon
      • Vinfast
      • Sein, Qualcomm, SK Hynix, Texas Instruments……
      • Seoul semiconductor; chế tạo LED, Chíp LED, v.v..
    • Sinh viên học xong cũng có thể tiếp tục nâng cao trong các cơ sở nghiên cứu đào tạo (các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước)

 

Có Những Ưu Đãi Gì Khi Học Kỹ Thuật Vi Điện Tử Và Công Nghệ Nano – ĐHBKHN?

Với đội ngũ giảng viên trình độ cao, giàu kinh nghiệm đã được học tập và tu dưỡng tại các quốc gia phát triển trên thế giới cùng với hệ thống Phòng thí nghiệm Vi điện tử hiện đại nhất Việt Nam, sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano – ĐHBKHN sẽ được học tập trong môi trường quốc tế năng động, được tham gia làm việc chuyên môn ngay từ năm đầu đại học, được tham gia thực tế tại các doanh nghiệp trong nước, có cơ hội tham gia trao đổi học tập tại các nước tiên tiến ngay trong thời gian học và được hưởng chế độ học bổng đãi ngộ tốt nhất:

  • Ngoài học bổng của ĐHBKHN, sinh viên có thành tích học tập tốt được nhận Học bổng của thầy/cô và các nhà tuyển dụng.
  • Sinh viên có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học và nhận lương từ các đề tài, dự án của thầy/cô hướng dẫn ngay từ năm thứ 3.
  • 100% học bổng sau đại học cho sinh viên đăng ký chương trình tích hợp Cử nhân – Thạc sĩ.
  • Sinh viên có thành tích học tập xuất sắc có cơ hội nhận học bổng đi thực tập ngắn hạn từ 3-6 tháng tại Hà Lan, Nhật Bản, Italia, Hàn Quốc, v.v.
  • Sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi được giới thiệu đi học thạc sĩ tại các nước như Hà Lan, Nhật Bản, Italia, Hàn Quốc, v.v.

 

Kỹ Thuật Vi Điện Tử Và Công Nghệ Nano – ĐHBKHN Tuyển Sinh Theo Hình Thức Nào?

Theo phương thức tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội

(1) Xét tuyển tài năng:

gồm các phương thức sau:

  • (1.1) Xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  • (1.2) Xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level, AP và IB;
  • (1.3) Xét tuyển dựa theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.

(2) Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy

Đối tượng xét tuyển: Thí sinh tham dự kỳ thi Đánh giá tư duy (ĐGTD) do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức;

Điều kiện dự tuyển: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đạt ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển do ĐHBK Hà Nội quy định;

Tổ hợp xét tuyển: K00;

(3) Xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2024

Đối tượng xét tuyển: Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT tổ chức;

Điều kiện dự tuyển: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đạt ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển do ĐHBK Hà Nội quy định;

Các tổ hợp xét tuyển A00, A01, D07.
 

LIÊN HỆ - TƯ VẤN:

KHOA VẬT LIỆU ĐIỆN TỬ VÀ LINH KIỆN


 

CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP


1. Cơ hội việc làm của ngành như thế nào?

CTĐT “Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực bán dẫn. Hiện nay, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này đang ngày càng gia tăng nhờ có định hướng phát triển Công nghiệp Bán dẫn của Chính Phủ và sự đầu tư của rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn vào Việt Nam nên rất nhiều cơ hội việc làm, việc làm đa dạng và nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp.
 

2. Học ngành này ra làm gì? Ở đâu?

Làm trong các nhà máy sản xuất chip, sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất pin mặt trời/pin tích trữ, sản xuất LED và các lĩnh vực liên quan đến vi điện tử và công nghệ nano với các vị trí như:
  • Kỹ sư quản lý dây chuyền sản xuất
  • Kỹ sư nghiên cứu phát triển R&D
  • Kỹ sư Vận hành sản xuất
  • Kỹ sư thiết kế vi mạch IC
  • Kỹ sư quản lý chất lượng
Các cơ sở tuyển dụng:
  • Lĩnh vực điện tử-bán dẫn: Samsung, LG, tập đoàn Vietel, Amkor Technology, Canon, Seoul Semiconductor...
  • Lĩnh vực pin mặt trời:  Công ty Boviet, Solar power Vietnam...
  • Lĩnh vực sản xuất Chip: Sein, Qualcomm, SH Hynix, Intel, Texas Instruments, Foxconn, …


3. Mức lương ngành này hiện nay ra sao?

Theo khảo sát công ty tuyển dụng vào đầu năm 2023, mức lương khởi điểm cho kỹ sư trong ngành này được từ 13 đến 17 triệu VNĐ. Tuy nhiên, mức lương trong ngành này có thể thay đổi và tăng lên do nhu cầu nhân lực cao. Các yếu tố khác như kỹ năng, kinh nghiệm làm việc và địa điểm cũng có thể ảnh hưởng đến mức lương của một kỹ sư trong ngành công nghệ vi điện tử - bán dẫn.
 

4. Tại sao lại là “Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano?”

Kỹ thuật Vi điện tử là lĩnh vực tập trung vào các vấn đề về linh kiện bán dẫn, thiết bị điện tử và hệ thống vi cơ điện tử, vi mạch. Còn Công nghệ nano là lĩnh vực nghiên cứu phát triển các vật liệu và linh kiện ở kích thước nano mét, làm giảm kích thước, tăng mật độ tích hợp và hiệu suất => Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano đào tạo các kỹ sư đi đầu trong phát triển và sản xuất các linh kiện điện tử, vi mạch với quy mô lớn, mật độ tích hợp và hiệu năng cao (chip AI, IoT pin mặt trời, chip LED, Lab on a chip)  
 

5. Tại sao ngành này cần?

Ngành Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano là cần thiết vì nó đóng vai trò quan trọng trong thời đại công nghệ số và kinh tế hiện đại. Dưới đây là những lí do chính:
  • Chip và linh kiện điện tử: Chip được coi là bộ não của hầu hết các thiết bị điện tử hiện đại. Nó là nền tảng và "dầu mỏ" trong thời đại công nghệ số. Việc phát triển và sản xuất các linh kiện điện tử chất lượng cao và công nghệ tiên tiến là cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các thiết bị và ứng dụng công nghệ.
  • Vi cảm biến và mạch tích hợp quy mô lớn: Vi cảm biến và mạch tích hợp quy mô lớn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như IoT (Internet of Things), trí tuệ nhân tạo, ô tô tự lái và nhiều ứng dụng khác. Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển các thành phần này.
  • Pin tích trữ và pin mặt trời: Sự phát triển của pin tích trữ và pin mặt trời đóng góp quan trọng vào việc sử dụng năng lượng tái tạo và giảm khí thải carbon. Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano đóng vai trò trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại pin tiên tiến, có hiệu suất cao và bền bỉ.
  • Lab on a chip: Công nghệ Lab on a chip kết hợp các chức năng phân tích và kiểm tra trong một thiết bị nhỏ gọn. Nó có thể ứng dụng trong y tế, môi trường và công nghiệp. Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano đóng vai trò quan trọng trong phát triển các công nghệ Lab on a chip tiên tiến.
Việt Nam đã nhận thấy tầm quan trọng của ngành Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano và đã đẩy mạnh đầu tư và phát triển trong lĩnh vực này. Sự tăng trưởng và phát triển của các công ty và nhà máy sản xuất bán dẫn tại Việt Nam đã tạo ra nhu cầu rất cao về nhân lực chuyên gia trong ngành này. Điều này mở ra nhiều cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp cho các chuyên gia và kỹ sư trong lĩnh vực Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano.
 

6. Tại sao nên chọn “Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano” tại Đại học Bách Khoa Hà Nội?

Hiện nay, ĐHBKHN là cơ sở giáo dục duy nhất và tiên phong tại Việt Nam đào tạo ngành Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano trong nước trong đó trang bị cho người học đầy đủ quy trình của sản xuất vi điện tử- bán dẫn bao gồm thiết kế, chế tạo, đóng gói và kiểm chuẩn các linh kiện vi điện tử cũng như phát triển các thiết bị điện tử -bán dẫn sử dụng công nghệ nano.
 

7. Tại sao hiện nay chỉ có ĐHBKHN đào tạo ngành này?

Lý do chính vì sao chỉ có Trường Vật liệu-ĐHBKHN đào tạo ngành Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano là do trường này đáp ứng được các yêu cầu cao về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất.
  • Đội ngũ giảng viên: ĐHBKHN có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và chất lượng cao trong lĩnh vực Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano. Các giảng viên tại trường đã có nền tảng vững chắc và có kiến thức chuyên sâu về các khía cạnh của ngành.
  • Cơ sở vật chất: ĐHBKHN sở hữu hệ thống phòng thí nghiệm vi điện tử hiện đại nhất Việt Nam, bao gồm cả Phòng Sạch được sử dụng cho thực hành chế tạo và đo đạc vi điện tử. Cơ sở vật chất tốt này giúp sinh viên được trải nghiệm thực tế và rèn kỹ năng trong quy trình sản xuất vi điện tử, từ thiết kế đến chế tạo và kiểm chuẩn. Điều này đảm bảo cho sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích nghi với yêu cầu công việc sau khi tốt nghiệp.
     

8. Ở Việt Nam có những cơ sở khác cũng đào tạo ngành tương tự như thế này phải không?

Hiện tại ở Việt Nam, một số cơ sở có chương trình đào tạo liên quan đến vi điện tử nhưng mới chỉ dạy về thiết kế. Để đào tạo kỹ sư làm chủ cả quy trình sản xuất vi điện tử cần yêu cầu cao về phòng thí nghiệm thực hành, cụ thể là phải có phòng sạch. Đào tạo cả quy trình sản xuất vi điện tử và ứng dụng sâu công nghệ nano trong vi điện tử thì CTĐT “Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano” tại Đại học Bách Khoa Hà Nội là duy nhất hiện nay.
 

9. Sinh viên được gì khi học “Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano” tại ĐHBKHN

Khi học chương trình "Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano" tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, sinh viên sẽ được hưởng nhiều lợi ích như sau:
  1. Trang bị kiến thức đầy đủ: Sinh viên sẽ được học và trang bị đầy đủ kiến thức về thiết kế, chế tạo, đóng gói và kiểm chuẩn các linh kiện vi điện tử. Ngoài ra, sinh viên cũng sẽ được học về phát triển các thiết bị điện tử sử dụng công nghệ nano. Điều này giúp sinh viên có nền tảng vững chắc và sẵn sàng tham gia vào quy trình sản xuất và phát triển các sản phẩm điện tử hiện đại.
  2. Phát triển kỹ năng chuyên sâu và kỹ năng mềm: Chương trình đào tạo cũng nhấn mạnh việc phát triển kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano. Sinh viên sẽ được rèn luyện và trang bị các kỹ năng cần thiết để làm việc trong môi trường công nghiệp và thực hiện các dự án nghiên cứu phát triển. Ngoài ra, sinh viên cũng được bồi dưỡng các kỹ năng mềm, như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian và khả năng phát triển bản thân trong môi trường toàn cầu hóa.
  3. Cơ hội học bổng và du học: rất nhiều cơ hội cho sinh viên nhận học bổng đại học và sau đại học. Điều này giúp sinh viên có thêm động lực và khuyến khích trong quá trình học tập. Ngoài ra, sinh viên cũng có cơ hội tham gia chương trình trao đổi, mở rộng kiến thức và trải nghiệm học tập tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Tóm lại, học chương trình "Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano" tại ĐHBKHN mang lại cho sinh viên kiến thức vững chắc và kỹ năng nhuần nhuyễn, cũng như nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp và tiếp cận với các cơ hội học tập cao hơn.
 

10. Học phí của ngành này khoảng bao nhiêu?

CTĐT “Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano” là chương trình chuẩn của ĐHBKHN có mức học phí 22-28 triệu VNĐ/ 1 năm.
 

11. Ngành này có học bổng không?

Học bổng của ngành này rất đa dạng. Sinh viên có cơ hội nhận học bổng của ĐHBKHN bao gồm Học bổng khuyến khích học tập, Học bổng Trần Đại Nghĩa, Học bổng tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, Học bổng trao đổi sinh viên quốc tế. Ngoài ra, các sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học có thể nhận học bổng từ các đề tài, dự án. Thông tin về học bổng có thể xem tại: https://sv-ctt.hust.edu.vn/#/so-tay-sv/61/hoc-bong
 

12. Cơ hội học sau đại học của ngành này thế nào?

100 % sinh viên đăng ký học tích hợp cử nhân- thạc sỹ sẽ được nhận học bổng sau đại học. Chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ có nhiều hướng nghiên cứu cho sinh viên lựa chọn.
 

13. Học ngành này có cơ hội xin học bổng du học không?

Ngành này có nhiều cơ hội xin học bổng đi du học để học cao hơn tại các nước phát triển như Hà Lan, Đức, Italia, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…Đặc biệt, hầu hết các bạn tốt nghiệp thạc sĩ ngành này đều có cơ hội nhận được học bổng toàn phần để làm nghiên cứu sinh tại các nước phát triển ở Châu Âu như Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Điển và các nước châu Á như Hàn Quốc Nhật bản, Đài Loan.
 

14. Chương trình học của ngành này như thế nào?

15. Ngành này xét tuyển như thế nào?

Năm 2024, CTĐT “Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano” xét tuyển theo cả ba hình thức: Xét tuyển tài năng, xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy và xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
 

16. Dự kiến điểm chuẩn ngành này khoảng bao nhiêu?

Năm 2023, điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT là 26.18 và thi đánh giá tư duy là 63.66. Điểm chuẩn dự kiến năm 2024 sẽ được đưa ra sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. 
 

17. Ngành tuyển bao nhiêu chỉ tiêu?

Năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh của CTĐT “Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano” là 140 chỉ tiêu.
 

18. Ngành này có cần tiếng Anh không?

Ngành này không yêu cầu tiếng Anh đầu vào. Trong quá trình học các bạn sẽ được bồi dưỡng tiếng Anh, khuyến khích sử dụng tiếng Anh và dùng tiếng Anh cho các môn chuyên ngành.
 
MEN CHAT2

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây