Giới thiệu chung

Thứ bảy - 15/07/2023 23:02
Khoa Kỹ thuật vật liệu, trước đây gọi là Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu phát triển thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ vật liệu, trong đó kỹ thuật luyện kim truyền thống được xem là trọng tâm bởi tầm quan trọng của vật liệu kim loại. Trong Trường Vật liệu, Khoa Kỹ thuật vật liệu đảm nhận chức năng đào tạo về kỹ thuật, công nghệ chế tạo vật liệu; vật liệu tiên tiến và cấu trúc nano từ nguyên liệu nguồn đến quá trình nấu luyện kim loại và hợp kim, công nghệ tạo hình, vật liệu compozit nền kim loại, nền gốm và xử lý bề mặt.

Trong những năm gần đây, ngành luyện kim nói chung, ngành thép nói riêng và ngành cơ khí phát triển mạnh, do vậy phần lớn sinh viên đều có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Các kỹ sư tốt nghiệp từ Khoa Kỹ thuật vật liệu không chỉ làm việc tại các đơn vị sản xuất mà còn có thể làm việc tốt tại các viện nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng, các cơ quan quản lý nhà nước, v.v.. Một số sinh viên tốt nghiệp được chuyển tiếp đào tạo thạc sỹ trong nước hoặc ở nước ngoài.

Trong số cựu sinh viên của Khoa Kỹ thuật vật liệu, có những người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội; có những người trở thành giảng viên, nhà khoa học lớn của đất nước; không ít người là những nhà quản lý giỏi, những doanh nghiệp tài năng được Nhà nước và Xã hội ghi nhận.
 

Thời gian và sự kiện

  • Ngày 6 tháng 3 năm 1956, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký Nghị định số 147/NĐ về việc thành lập trường Đại học Chuyên nghiệp Bách Khoa, nay là Đại học Bách Khoa Hà Nội.
  • Ngày 15 tháng 10 năm 1956, Trường tổ chức Lễ Khai giảng khoá 1 cho 848 sinh viên trúng tuyển vào 14 ngành của 4 liên khoa gồm: Cơ – Điện, Mỏ – Luyện kim, Xây dựng và Hoá – Thực phẩm; trong đó có 67 sinh viên ngành Luyện kim. Từ đó, ngày này trở thành Ngày hội truyền thống của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
  • Khoa Mỏ – Luyện kim lúc đó có 4 bộ môn: Luyện kim, Địa chất, Khai thác và Tuyển khoáng do Thầy Nguyễn Đức Thừa làm chủ nhiệm, thầy Nguyễn Văn Chiển là Phó chủ nhiệm.
  • Năm 1960, Luyện kim tách khỏi Liên khoa Mỏ-Luyện kim, sáp nhập với Cơ khí thành Khoa Cơ khí – Luyện kim gồm các bộ môn: Luyện kim, Gia công nóng và các bộ môn thuộc ngành Cơ khí, Động lực. Chủ nhiệm Khoa vẫn là Thầy Nguyễn Đức Thừa. 
  • Năm 1965, trong hoàn cảnh chiến tranh, để duy trì quá trình đào tạo, Trường sơ tán lên Lạng Sơn, Khoa Luyện kim đóng tại H3. Năm 1966, trước nhu cầu phát triển ngành công nghiệp nặng của đất nước, Luyện kim tách thành khoa độc lập do thầy Lý Ngọc Sáng làm Chủ nhiệm Khoa. Khoa có 6 bộ môn: Luyện kim đen, Luyện kim màu, Đúc, Kim loại học và nhiệt luyện, Cán và Lò Công nghiệp. Năm 1968, Khoa chuyển từ khu C Lạng sơn về Hiệp Hoà, Hà Bắc. Năm 1972, Khoa sơ tán trở lại Hà Bắc.
  • Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Khoa Luyện kim lưu luyến chia tay một số cán bộ của mình vốn là con em miền Nam tập kết trở về làm lực lượng nòng cốt xây dựng ngành luyện kim tại Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Trong số đó, thầy Lý Ngọc Sáng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng và được bầu làm Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.
  • Trong niềm vui đất nước thống nhất, các thế hệ thầy trò Luyện kim không thể nào quên những ngày lao động hăng say trên công trường đại thuỷ nông Bắc – Hưng – Hải (1958), đợt khắc phục hậu quả lũ lụt tại Hà Bắc (1971), những khó khăn thiếu thốn nhưng ấm tình đùm bọc của nhân dân các địa phương nơi sơ tán, khí thế nhập ngũ hào hùng trong phong trào 3 sẵn sàng và những tháng năm dũng cảm bảo vệ bầu trời thủ đô.
  • Năm 1984, thực hiện cơ chế quản lý 2 cấp, Khoa Luyện kim phân thành 3 bộ môn lớn (sau này phát triển thành các khoa): Luyện kim (Luyện kim đen và Luyện kim màu), Đúc – Nhiệt luyện (Kỹ thuật đúc và Kim loại học – Nhiệt luyện) và Gia công áp lực (Cán – kéo kim loại và Bộ môn Rèn dập từ Khoa Cơ khí nhập về). Bộ môn Lò và Tự động hoá chuyển sang các đơn vị khác thuộc Khoa Điện và Khoa Công nghệ Nhiệt – Lạnh.
  • Năm 1994, Trường trở lại cơ chế quản lý 3 cấp, 3 khoa trên sáp nhập thành Khoa Luyện kim và Công nghệ vật liệu với 5 bộ môn do PGS.TSKH. Bùi Văn Mưu làm Chủ nhiệm Khoa. Bộ phận rèn dập chuyển về Khoa Cơ khí.
  • Tháng 6 năm 2003, trong xu thế hội nhập quốc tế về đào tạo đại học, Khoa đổi tên thành Khoa học và Công nghệ Vật liệu.
  • Ngày 08 tháng 09 năm 2011, Hiệu trưởng đã ký quyết định thành lập Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu để phù hợp với phát triển, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của Nhà trường.
  • Theo Nghị quyết của Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội ngày 29/3/2023, Trường Vật liệu được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu; Viện Dệt may - Da giầy và Thời trang; Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Trung tâm nghiên cứu Vật liệu Polyme và Compozit và Bộ môn Công nghệ In. Khi chuyển sang mô hình hoạt động mới, Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu có tên gọi là Khoa Kỹ thuật vật liệu.
     

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây