BÁCH KHOA HÀ NỘI KIỂM ĐỊNH QUỐC TẾ CẤP ĐẠI HỌC BỞI TỔ CHỨC UY TÍN CHÂU ÂU HCERES

Thứ năm - 30/11/2023 09:35
BÁCH KHOA HÀ NỘI KIỂM ĐỊNH QUỐC TẾ CẤP ĐẠI HỌC BỞI TỔ CHỨC UY TÍN CHÂU ÂU HCERES
Kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế là lời tuyên bố của Bách khoa Hà Nội về sự cam kết trong công tác đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội.

Tổ chức kiểm định HCERES (CH Pháp) thực hiện hoạt động đánh giá chất lượng cấp cơ sở tại Đại học Bách khoa Hà Nội trong hai ngày 27-28/11. Sáng ngày 27/11, HCERES đã có buổi làm việc với Ban Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị cấp 2 nhằm trao đổi thông tin về sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược và quản trị của Đại học và những hoạt động cải tiến chất lượng sau đợt kiểm định cấp đại học năm 2017.

Trong các phiên làm việc sau đó, Đoàn đánh giá thực hiện 19 phiên phỏng vấn trực tiếp, cởi mở với các bên liên quan và 2 phiên khảo sát, kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm nhằm đảm bảo tính toàn diện trong việc xác nhận chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng của Đại học. 
 
20231127 TSP 4714
20231127 TSP 4684
20231127 CBO 8413
20231127 CBO 8309
Đại diện HCERES tham quan cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm tại Đại học Bách khoa Hà Nội trong đợt kiểm định 27-28/11

‘Bách khoa Hà Nội tự hào về chặng đường và thành tựu Đại học đã đạt được’

Phát biểu tại phiên họp, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc đại học khẳng định sự có mặt của tổ chức HCERES thể hiện tầm quan trọng của quá trình kiểm định và cam kết của Đại học trong việc cải tiến liên tục, đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
 
20231127 CBO 8162
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu khai mạc

“Với tư cách là Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi đứng đây với niềm tự hào về chặng đường và thành tựu mà Đại học đã đạt được. Đánh giá đầu tiên của HCERES năm 2017 có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình chiến lược, cải tiến quy trình và nâng cao các dịch vụ học thuật của chúng tôi”, ông chia sẻ mở đầu buổi trao đổi.

Đại học Bách khoa Hà Nội luôn khuyến khích môi trường đổi mới, sáng tạo, học thuật và nghiên cứu xuất sắc để cung cấp nền giáo dục đẳng cấp thế giới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

Năm 2022, Bách khoa Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận chuyển từ trường thành đại học. Trong tiến trình đó, 5 trường mới được thành lập với quy mô, vị thế được nâng cao, tính tự chủ mỗi đơn vị tối ưu hóa sức mạnh tổng hợp giữa các viện nghiên cứu và viện đào tạo theo các lĩnh vực chuyên sâu.

Trong những năm qua, Bách khoa Hà Nội đạt được những bước tiến đáng kể trong nhiều lĩnh vực khác nhau – từ những đột phá trong nghiên cứu đến nâng cao trải nghiệm của sinh viên. Nhà trường tập trung đầu tư vào cơ sở vật chất, tuyển dụng các giảng viên có trình độ và tăng cường hợp tác với các đối tác kinh tế - xã hội. Những nỗ lực này phù hợp với tầm nhìn của Nhà trường là trở thành một đại học khoa học và công nghệ hàng đầu được công nhận trên toàn cầu.

“Đánh giá của HCERES là một dấu mốc quan trọng để đảm bảo chúng tôi đang đi đúng hướng với mục tiêu và sứ mệnh của mình”, PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho rằng hoạt động đánh giá này là cơ hội giới thiệu những thành tựu của Nhà trường, đồng thời ghi nhận phản hồi mang tính xây dựng để Bách khoa Hà Nội tiếp tục theo đuổi tầm nhìn của mình.

Hoạt động kiểm định tạo cơ hội để cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Theo TS. Lê Huy Tùng, Phó Trưởng Ban, Ban Quản lý chất lượng, việc lựa chọn bộ tiêu chuẩn kiểm định nào sẽ phụ thuộc vào sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu của từng cơ sở giáo dục.

Với Đại học Bách khoa Hà Nội, tầm nhìn là trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Đây là lý do Đại học Bách khoa Hà Nội lựa chọn tổ chức kiểm định uy tín HCERES để thực hiện công tác kiểm định cấp Đại học.
 
20231127 CBO 8256
Đoàn kiểm định HCERES chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Giám đốc đại học

Sau đợt kiểm định theo tiêu chuẩn HCERES vào tháng 3/2017, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tích cực cải tiến chất lượng trên cơ sở các khuyến nghị của các chuyên gia ở tất cả 6 lĩnh vực: Chiến lược và quản trị, Nghiên cứu và đào tạo; Tiến trình đào tạo sinh viên; Quan hệ đối ngoại; Điều hành; Chất lượng và đạo đức.

Sau khi thống nhất công tác tái kiểm định giữa hai bên, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tìm hiểu bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của HCERES, xây dựng báo cáo tự đánh giá và tổ chức các buổi trao đổi, truyền thông với các bên liên quan. Quá trình chuẩn bị kéo dài từ tháng 2 năm nay với sự tham gia của tất cả các đơn vị trong đại học, đặc biệt là khối phòng ban trung tâm.

Bộ tiêu chuẩn phiên bản mới của HCERES đã được cải tiến so với phiên bản trước, chỉ gồm 3 lĩnh vực: Quản lý chiến lược và điều hành; Chính sách về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và đưa khoa học vào cuộc sống; Chính sách về giáo dục, người học và môi trường.

Kiểm định chất lượng là một trong những hoạt động đặc trưng của giáo dục. Trong hoạt động kiểm định, có 2 cấp độ là kiểm định cấp cơ sở giáo dục và kiểm định cấp chương trình đào tạo. Mục đích của hoạt động này nhằm xác nhận hệ thống đảm bảo chất lượng theo bộ tiêu chuẩn do tổ chức kiểm định đề ra và được cơ sở giáo dục thừa nhận và cam kết thực hiện. Quan trọng hơn, hoạt động này giúp cơ sở giáo dục liên tục cải tiến chất lượng và cũng là trách nhiệm giải trình với xã hội về chất lượng đào tạo, nghiên cứu. 

Sau khi hoàn thành hoạt động đánh giá ngoài, Ban Quản lý chất lượng, đầu mối của ĐH Bách khoa Hà Nội trong hoạt động kiểm định, sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cần thiết cho tổ chức kiểm định. 

Hiện nay, khoảng gần 70% chương trình đào tạo đại học của Đại học Bách khoa Hà Nội đã đạt kiểm định quốc tế. Các chương trình đào tạo bao gồm chương trình đại học và sau đại học cũng sẽ được rà soát để chuẩn bị kế hoạch kiểm định cho năm 2024. 

Tất cả các khuyến nghị từ đợt kiểm định chương trình đào tạo của ASIIN cũng đang được xem xét và và thực hiện cải tiến từ cuối năm nay đến đầu năm sau. Bên cạnh đó, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng lên kế hoạch tự đánh giá, đánh giá đồng cấp, kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế theo lộ trình..

Trải qua nhiều hoạt động đánh giá, cán bộ và giảng viên trong đại học dần hiểu và tiệm cận văn hóa chất lượng trong tất cả các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu.

“Không có hoạt động đánh giá, cải tiến, mỗi tổ chức đều sẽ thụt lùi với sự phát triển của xã hội. Kiểm định là một vòng xoáy không ngừng: công tác lên kế hoạch - triển khai - kiểm tra - cải tiến là một chu trình để mỗi cơ sở giáo dục đảm bảo mục tiêu đề ra, đánh dấu sự xuất hiện của mình trên bản đồ thế giới” – PGS. Trần Trung Kiên, Trưởng Ban Ban Quản lý Chất lượng khẳng định.

Ảnh: Duy Thành

Tác giả: Hà Kim

Nguồn HUST.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây