Xin chúc mừng GS. Nguyễn Đức Hòa và tập thể nghiên cứu đã hoàn thành dự án “Nghiên cứu phát triển cảm biến khí nano ứng dụng trong Internet vạn vật (IoT) định hướng chẩn đoán bệnh không can thiệp" do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì (thực hiện từ năm 2019 và hoàn thành tháng 12/2023).
GS. Nguyễn Đức Hòa (chủ nhiệm dự án) chia sẻ: “Cảm biến khí nano ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau thông qua các ứng dụng IoT, trong đó có ứng dụng phân tích hơi thở chẩn đoán bệnh không can thiệp từ xa". Các chip cảm biến thế hệ mới được nghiên cứu chế tạo sử dụng công nghệ bán dẫn đã được nhóm nghiên cứu tại Đại học Bách Khoa Hà Nội theo đuổi trong hơn 10 năm qua. Với sự tài trợ của Quỹ VINIF, dự án của chúng tôi đã đạt được những thành quả đăng kể bao gồm 6 bài báo trên tạp chí Q1, 01 sáng chế quốc tế, và 01 thiết bị phân tích hơi thở chẩn đoàn bệnh, cùng cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế và kết nối với doanh nghiệp để có thể phát triển thương mại hóa sản phẩm. Tôi hy vọng Quỹ VINIF sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các nhà khoa học lâu dài để triển khai các ý tưởng đổi mới sáng tạo, đưa các sản phẩm nghiên cứu vào cuộc sống, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.”
Mục tiêu chung của dự án:
- Phát triển và làm chủ được quy trình công nghệ chế tạo vật liệu cấu trúc nano một chiều và hai chiều nhằm ứng dụng cho cảm biến khí nano phân tích hơi thở.
- Nghiên cứu chế tạo thành công các chíp cảm biến khí nano đánh dấu sinh học thế hệ mới với công suất tiêu thụ thấp và độ nhạy siêu cao nhằm ứng dụng trong chẩn đoán nhanh một số bệnh như ung thư phổi, hen suyễn, tiểu đường v.v.
- Nghiên cứu phát triển và làm chủ được công nghệ chế tạo, tích hợp và đóng gói cảm biến nano và hoàn thiện được các thiết bị đo, truyền phát, phân tích và hiển thị số liệu đồng thời tích hợp với các thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng, mạng internet) ứng dụng trong chẩn đoán bệnh tại chỗ và từ xa.
Phạm vi nghiên cứu của dự án:
- Nghiên cứu phát triển các thế hệ cảm biến khí nano mới có kích thước nhỏ gọn, công sất tiêu thụ thấp, độ nhạy siêu cao và giới hạn phát hiện cỡ ppm-ppb (cỡ phần tỷ về nồng độ) sử dụng công nghệ bán dẫn;
- Nghiên cứu tích hợp các cảm biến khí nano để phát triển các bộ kít nhỏ gọn có khả năng kết nối và giao tiếp không dây với thiết bị di động để thu thập số liệu;
- Nghiên cứu phát triển được các phần mềm phân tích và nhận dạng các khí khác nhau trong hơi thở sử dụng trí tuệ nhân tạo/học máy từ đó đưa ra kết quả chẩn đoán một số bệnh tương ứng
Sau hơn ba năm triển khai, dự án đã được nghiệm thu với các kết quả ấn tượng:
- 06 bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế Q1;
- 01 Sáng chế đã được Thụy Điển cấp bằng; và 01 đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam;
- Hỗ trợ đào tạo 03 học viên cao học và 02 NCS.
- 50 chíp cảm biến phân tích hơi thở và 10 Module cảm biến di động cho phép kết nối với điện thoại di động, máy tính để phân tích hơi thở
- 01 thiết bị phân tích hơi thở dạng xách tay nhỏ gọn, có thể kết nối IoT và phần mềm cài đặt trên website cho phép phân tích hơi thở sàng lọc bệnh từ xa thông qua kết nối điện thoại thông minh.
Một số hình ảnh sản phẩm đạt được của dự án: